Bạc Liêu là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu hơn 140.000ha, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, nhiều loại hình nuôi trồng thuỷ sản mang lại lợi nhuận khá cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Bạc Liêu cũng là địa phương đứng thứ hai cả nước về diện tích và sản lượng tôm, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước và là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm. Hiện tỉnh có 25 công ty, 7 HTX và gần 820 hộ dân đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 4.600ha (vượt gần 45% so với kế hoạch và tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019).
Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi có kiểm soát chặt chẽ cho năng suất tôm tăng đột phá từ 10 đến 15 lần so với mô hình nuôi truyền thống, góp phần đưa sản lượng và chất lượng tôm của Bạc Liêu không ngừng tăng và dần khẳng định được thương hiệu.
Tuy nhiên, với mô hình siêu thâm canh, lượng nước thải, chất thải rất lớn, nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường rất cao. Thực tế đến nay chưa có giải pháp, công nghệ xử lý nào thật sự triệt để, hữu hiệu. Đa số các hộ nuôi tôm theo mô hình này chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng chưa vận hành thường xuyên. Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc có xử lý nhưng chưa đạt chuẩn khi xả ra môi trường còn khá phổ biến.
Hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp và hộ dân đã và đang áp dụng biện pháp nuôi cá rô phi trong ao chứa, lắng (lọc sinh học) và sử dụng hầm ủ biogas để xử lý nước thải, bùn thải và vỏ tôm lột. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, quy mô hầm biogas còn quá nhỏ, chưa tương xứng so với lượng nước thải, chất thải thải ra trong vụ nuôi.
Trước những thách thức đó, công trình thu gom và xử lý chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh thông qua hệ thống máy ép phân tôm đã bước đầu cho thấy hiệu quả cao nhất hiện nay so với xử lý chất thải bằng giải pháp sinh học hay bằng hệ thống Biogas.
Các chất thải rắn như phân tôm, thức ăn dư thừa, xác, vỏ tôm... được xiphon từ đáy ao đạt 95 - 99%, không thải trực tiếp ra bên ngoài, không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn này sẽ được ủ và xử lý thành phân hữu cơ cung cấp cho lĩnh vực trồng trọt. Bên cạnh đó, chất thải tôm thu được còn sử dụng được trong một số hoạt động nuôi các loài thuỷ sản như cá, Artemia, trùng chỉ.
Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững, đặc biệt là trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hạn chế rủi ro, tăng năng suất và bảo vệ môi trường, "xanh hoá" quá trình sản xuất, giảm phát thải nhà kính là một trong những hướng đi phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, cũng là tác giả của sáng chế máy ép phân tôm chia sẻ: “Hơn 30 năm trăn trở với nghề nuôi tôm, 3 năm tìm tòi thử nghiệm ngay cả trong tình hình dịch Covid-19, khi thử nghiệm thành công, cảm xúc của tôi hạnh phúc vỡ òa khó tả vì mục tiêu hướng đến đã đạt được kết quả nhằm phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh”.
“Máy ép phân tôm là công cụ để ép lại phân tôm sau khi thải ra, sau đó xử lý, phối chế phân tôm thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt và làm thức ăn cho một số loài thủy sản khác như cá rô phi, Artemia, trùn chỉ…, vừa giúp cho ngành trồng trọt hướng tới sản xuất hữu cơ, xanh, tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính”, ông Vượng chia sẻ.
23/11/2424 | 34 Lượt xem
30/11/2424 | 27 Lượt xem
26/12/2424 | 8 Lượt xem
28/09/2424 | 77 Lượt xem
02/11/2424 | 47 Lượt xem
06/04/2424 | 143 Lượt xem
18/09/2424 | 66 Lượt xem
13/12/2424 | 32 Lượt xem
05/03/2424 | 178 Lượt xem